Viết trong những ngày giãn cách

Trần Mạnh // Blog

0 Comments

July 14  

Tìm mãi không có số liệu TP.HCM thì hàng tươi sống trong siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng thực phẩm (kênh hiện đại) chiếm bao nhiêu %, ngoài chợ và hàng quán (kênh truyền thống) chiếm bao nhiêu %. Có lẽ kênh hiện đại chiếm được khoảng 20-30% là cùng.
Dễ hiểu khi 70% kênh bán hàng và tiêu thụ bị đóng cửa thì dân phải vào các kênh hiện đại được phép mở cửa để mua. Với hạ tầng phục vụ 20-30% nhu cầu bình thường mà bị đẩy lên gần 100% thì chịu sao nổi. Chuyện thiếu hàng là chắc chắn xảy ra và quá tải là đương nhiên. Vài ba trăm siêu thị, vài ngàn cửa hàng hiện đại không thể thay thế và linh động bằng hàng chục, hàng trăm ngàn điểm bán lẻ khắp các cấp độ, khắp góc đường góc phố được.
Nhưng thực phẩm ở TP.HCM thiếu hay khan hàng không phải là do thiếu hụt nguồn cung mà là do khó khăn trong vận chuyển (từ vùng trồng về thành phố) và kinh doanh (chợ đầu mối, chợ lẻ và hàng quán ven đường đóng cửa). Nó khác hẳn với thiếu hụt nguồn cung do bị thiên tai, mất mùa.
Nếu một hôm nào đó người dân SG không mua đủ rau củ thịt cá cho gia đình thì hôm đó cũng có một hộ nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn vì giá heo, gà xuống thấp và khổ hơn là muốn bán cũng không được. Đây là một khó khăn kép cả về nguồn cung đến người tiêu dùng cuối cùng mà vấn đề chính là kênh lưu thông, phân phối bị tắc nghẽn. Giải quyết được vấn đề này thì hàng hoá lập tức sẽ đầy trở lại ngay.
Thôi thì chính quyền phải chống dịch, nhân dân ủng hộ nên mỗi người chịu khó một thời gian. Lượng rau củ thịt cá ít hơn thì chúng ta chủ động tiêu dùng ít hơn. Mua ít hơn, đừng gom hàng để dẫn tới người sau lo thiếu gom tiếp và người tiếp theo hoảng loạn vì hết hàng.
Thay vì mỗi bữa một bó rau, chúng ta có thể ăn một nửa bó. Thường thì đa số bữa ăn hàng ngày của chúng ta bị dư thừa chứ có thiếu đâu.
Chuyển từ những món ăn cần rau, thịt cá tươi sang ăn những loại ít cần chúng hơn như ăn mì, ăn miến, ăn phở tự nấu ở nhà, ăn bánh mì, bánh bao,… Những thứ này là hàng chế biến, để được lâu, trong các siêu thị, cửa hàng còn rất nhiều, mà lại dễ đổ đầy kệ trở lại. Ăn nhiều rau thì tốt, nhưng ăn ít rau trong một thời gian ngắn cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đâu. Giảm ăn thịt có khi lại tốt cho sức khoẻ.
Mua ít lại là giảm cầu tại chỗ, hạn chế một số nơi lợi dụng tăng giá bất hợp lý (còn tăng giá hợp lý là do chi phí vận chuyển, bảo quản và nhân công tăng lên là có thật).

About the Author

Trần Mạnh